Đặc sản Tây Bắc không thể bỏ qua

Thịt trâu gác bếp

thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Internet

Thịt trâu gác bếp là một trong những món ăn bạn nhất định phải thử khi đến Tây Bắc. Với các gia vị địa phương được tẩm ướp kỹ lưỡng trong thịt trâu, món ăn để lại dư vị khó quên cho người thưởng thức. Bạn sẽ cảm nhận được hương vị dân dã, thân quen của mùi khói bếp. Sau khi được gác bếp, hun khói đúng độ, thị trâu sẽ săn lại, có màu đen bóng, bên ngoài khô nhưng bên trong vẫn mềm ẩm, đậm đà đến khó cưỡng. Người dân Tây Bắc sẽ đãi bạn món thịt trâu gác bếp chấm với chẩm chéo để tận hưởng đúng phong vị của núi rừng nơi đây.

Xôi ngũ sắc

Nếu bạn đã từng thử qua món xôi ngũ sắc của vùng Tây Bắc chắc chắn sẽ bị thu hút bởi cả hương vị và màu sắc. Xôi ngũ sắc với 5 màu là tím, vàng, xanh, trắng, đỏ thường được đồng bào nơi đây sử dụng để thưởng thức hoặc dâng lên tổ tiên vào những dịp lễ, Tết, hội… Mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa riêng tượng trưng cho những khát vọng của con người. Cũng là xôi nhưng xôi ở miền Tây Bắc mang hương vị rất riêng. Đó là mùi thơm nức lòng, béo ngậy và dẻo mềm của nếp được trồng trên những nương lúa bậc thang. Để nấu được những mẻ xôi ngon, mê hoặc lòng người, người dân địa phương phải rất tỉ mỉ trong từng khâu chế biến từ cách bảo quản nếp đến điều chỉnh nhiệt từ củi và nước đồ xôi phải là nước suối sạch.

Xem ngay:  Cách làm Tôm một nắng dai dai, ngon ngọt đơn giản tại nhà

xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc xuất hiện trong những sự kiện trọng đại của người Tây Bắc. Ảnh: Internet

Cá chép nướng

Dân tộc Thái vùng Tây Bắc có một đặc sản nổi tiếng mà nếu đã thưởng thức 1 lần bạn sẽ nhớ mãi không quên. Cá chép được làm sạch phần ruột, mang nhưng để nguyên vảy rồi ướp với hạt mắc khén – một loại gia vị đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc, muối, ớt tươi. Sau đó, cá được kẹp chặt bằng tre tươi đem nướng trên bếp than hoa trong khoảng 30 phút. Khi cá chín dậy mùi thơm, mang vị ngọt bùi xen lẫn vị cay của ớt và mắc khén. Món ăn dân dã này trở thành thứ đặc sản quý giá cho du khách bốn phương đến với miền Tây Bắc của tổ quốc.

cá chép nướng ngũ vị

Cá chép nướng cùng các gia vị đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Ảnh: Vnexpress.net

Rêu đá nướng

Rêu mọc trên những tảng đá lớn bên suối lại trở thành một món ăn đặc sản của người dân Tây Bắc. Có nhiều phương pháp chế biến khác nhau với nguyên liệu chính là rêu đá nhưng trong đó cách nướng lên vẫn mang lại cho người thưởng thức ấn tượng sâu sắc nhất. Rêu đá được tẩm ướp các loại gia vị đặc trưng của vùng Tây Bắc như hạt dổi, quả muối, hạt sản, sả, gừng, bột ớt… rồi gói vào lá dong và nướng vùi trong tro nóng. Hương vị của rêu là sự hòa quyện của một chút mềm, một chút ngậy khiến thực khách tò mò, thích thú.

Xem ngay:  Cách nấu Bò sốt vang ngon chuẩn vị như ngoài hàng

món ăn từ rêu đá

Món ăn từ rêu đá chắc chắn sẽ khiến bạn tò mò và thích thú. Ảnh: Internet

Bánh ngải

Nếu đến Tây Bắc vào những ngày Tết Thanh Minh, bạn sẽ được đồng bào dân tộc Tày thiết đãi một loại đặc sản thơm ngon đó là bánh ngải. Có hình dạng giống với bánh dày của người miền xuôi, bánh ngải được làm từ nếp nương, lá ngải cứu, đường phèn nên vị dẻo thơm, ngọt thanh. Không chỉ lạ miệng, bánh còn là một vị thuốc Đông y hữu hiệu để điều trị lưu thông khí huyết, chống đau đầu, cảm cúm…

bánh ngải

Bánh ngải có vị thơm nhẹ và ngọt thanh. Ảnh: Internet

Còn rất nhiều đặc sản khác của miền Tây Bắc mà bạn nên thưởng thức như: thắng cố, rượu ngô, lợn cắp nách, bê Mộc Châu, nhộng ong rừng, sâu chít Điện Biên, cá bống vùi tro, pa pỉng tộp, cá hồi SaPa, cốm Tú Lệ, bánh chưng đen, bánh cooc mò của người Tày, Nùng, nộm rau đớn, cải mèo Mộc Châu… Tất cả sẽ mang đến cho bạn sự tò mò, lạ miệng và dần dần thích thú.

Leave A Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *